10 năm Internet Việt Nam


Chỉ còn vài ngày nữa là Internet tại Việt Nam tròn 10 tuổi, 10 năm không phải là quá dài, nhưng cũng không hề ngắn, đặc biệt là với lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam. Những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt, mà một lúc nào đó khi nhìn lại, chúng ta lại tự hỏi: Đã 10 năm rồi sao ?

Người dân Việt Nam bắt đầu được kết nối Internet vào ngày 01/12/1997, đó là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, giá cước khi đó ngất ngưởng trên mây – 400 đồng/phút, và chỉ có một lựa chọn duy nhất là dial-up với tốc độ rùa bò. Khái niệm “rớt mạng” còn phổ biến hơn cả khái niệm “mạng”.
Nhớ lại khoảng giữa năm 1997, khi Java chỉ mới là một cái tên ít người biết đến (tại Việt Nam), với ước đoán về sự phổ biến của nó sau này, tôi đã cố công đi tìm tài liệu để tìm hiểu. Tất nhiên, vào thời điểm đó việc tìm những tài liệu kiểu như vậy cực kỳ khó và chỉ có một nguồn duy nhất là sách, đi khắp các nhà sách tại Đà Lạt, tôi tìm được duy nhất một cuốn (mà tôi không nhớ tên chính xác), hình như là “Java – the complete reference”, nội dung thực ra giống hệt bộ API documentation. Với một người chưa từng nhìn thấy Java, cũng không có trong tay bộ JDK (lúc đó chỉ nghe nói về nó) thì việc học quả là khó hơn lên trời, vậy là kế hoạch đành gác lại, chỉ thỉnh thoảng lại lấy sách ra đọc (cho đỡ tiếc tiền).
Cuối năm 1997, khi Internet đã bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam, với tư cách là một sinh viên, tôi đã “quyết tâm” không dùng đến nó – vì số tiền truy cập một giờ lúc đó có thể giúp tôi sống được đến 1 tuần, dù Internet đã có, nhưng mọi thứ vẫn chỉ là nghe nói, và bản thân tôi lúc đó cũng chưa nhìn thấy được hết sức mạnh của nó.
Giữa năm 1998, nhờ mối quen biết với trung tâm tin học của trường – trước đó tôi đã làm trang web nội bộ và viết một số phần mềm cho trung tâm – lần đầu tiên tôi được sử dụng Internet, trong khoảng 1 phút. Đó cũng đã là diễm phúc lớn, vì theo tôi biết, ngay cả giảng viên trong trường cũng chỉ được truy cập 1h/tuần, chưa kể đôi khi phải chờ đủ người mới được vào. Khỏi phải nói cảm giác lúc đó như thế nào, không thể tưởng tượng được việc: mình ở Việt Nam bấm chuột một cái, thế mà có cái máy tính tận bên Mỹ phải phục vụ cho mình, quả thực bái phục, bái phục. Sau lần đó, tôi đã cảm nhận được Internet là thế nào, cảm giác được cái sự “phẳng” mà nó mang lại, và thầm ghen tị với người dân ở nhiều quốc gia khác, khi mà Internet đối với họ đã trở nên quá đỗi bình thường.
Cuối năm đó, tôi được nhận vào làm part-time tại thư viện của trường, công việc là: vận chuyển sách (cửu vạn), đếm sách và nhập thông tin vào máy tính. Chính công việc này đã mở ra một cơ hội cho tôi, khi mà thư viện lúc đó là nơi để các giảng viên truy cập Internet. Là người khá nhất (trong số những người không biết), và cũng vì máy chủ lúc đó lại chạy Linux (Redhat 5), tôi được giao nhiệm vụ bật/tắt modem và thực hiện việc kết nối, quả thực đây là cơ hội ngàn vàng để vào Internet “ké”, nếu nhớ không lầm thì lúc đó tôi là người truy cập Internet nhiều nhất trường, vì bất cứ giảng viên nào vào, tôi cũng đều tranh thủ một tí. Đôi khi, người vào ké chiếm hết cả băng thông của người vào chính. Thời gian này tôi đã tìm được khá nhiều tài liệu, tìm thông tin thì vào Yahoo, email thì dùng vol.vnn.vn, mã nguồn và tài liệu thì vào simtel.net hoặc programmersheaven.com. Giờ đây, việc học Java trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Quả thực, Internet như một đòn bẩy, một chất xúc tác giúp việc học, làm việc dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Dù vậy, nó vẫn chưa phổ biến lắm vào lúc đó, phần vì giá cước vẫn rất cao, phần vì tốc độ và chất lượng cũng không đảm bảo.
Vào thời dial-up, cũng có một số cửa hàng Internet mọc lên, ban đầu hình như 12K/h, mà phải chờ đủ 4,5 người gì đó thì họ mới bật, và điệp khúc rớt mạng được ca liên tục, đôi khi không hẳn do đường truyền, mà do người ta cấu hình để sau vài phút không có người truy cập thì nó tự động ngắt, thậm chí đôi khi nhân viên họ cũng “vô tình” ngắt mất, và bạn lại phải mất mấy phút để chờ kết nối lại – những phút này vẫn được tính tiền bình thường.
Chính vì giá cước quá cao, và cũng vì ý thức của nhiều người quá kém nên tình trạng ăn cắp tài khoản đăng nhập diễn ra rất nhiều, nhiều cá nhân hoặc doanh nghiệp phải trả hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng vì mất tài khoản. Điều nguy hiểm ở chỗ nhiều người cảm thấy rất bình thường, thậm chí hãnh diện khi ăn cắp tiền cước của người khác.
Năm 2001, tôi bắt đầu làm việc tại một công ty trong ngành viễn thông, điều làm tôi cảm thấy thích thú nhất là tại đây bạn có thể truy cập vào Internet qua một được leased line 2M, quả là một thiên đường nếu so sánh với đại bộ phận sử dụng dial-up xung quanh. Mọi thứ dần trở nên gắn bó với Internet, chat, email với bạn bè, đồng nghiệp, đọc tài liệu, download… Thật khó mà tưởng tượng nếu quay lại những ngày trước, không còn Internet nữa thì tôi sẽ cảm thấy thế nào.
Không nhớ chính xác là lúc nào, khoảng năm 2002 thì phải, dịch vụ ADSL bắt đầu được tung ra, với tốc độ vượt trội, chi phí cũng thấp hơn hẳn, như một làn sóng bùng nổ, Internet trở nên phổ biến nhất vào giai đoạn này. Người người đi chat, nhà nhà đi chat, hầu hết mọi người lên Internet là để chat, cũng như đa số hiện nay vào Internet là để đọc tin tức hoặc chơi game vậy. Bắt kịp xu thế mới, tôi cũng … chat, quen được một số bạn bè, rồi sau đó cũng chơi game online, lúc đó chơi gunbound Hàn Quốc, cũng khá vui .
Giờ đây, sau 10 năm, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, Internet giờ đã rất phổ biến, các dịch vụ cũng có khá nhiều, xu hướng người dùng Internet tại Việt Nam cũng thay đổi nhiều: ban đầu từ chat, email, rồi viết blog, rồi chơi game online… Hình ảnh một sinh viên mang máy tính xách tay truy cập Internet không dây miễn phí giờ cũng không còn xa lạ nữa. Thời đại của chúng ta đã khác, vấn đề là chúng ta phải cố gắng tận dụng tất cả những gì có thể, những gì được coi là lợi thế để học tập, làm việc.
Dù sao thì, “Internet đã là một phần của đời tôi”.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s