Hỏi nhanh đáp gọn luôn là có!
Vì sao?
– Các tài liệu chuyên ngành hầu hết là viết bằng tiếng Anh, tất nhiên vẫn có tài liệu tiếng Việt, nhưng hoặc viết về những chủ đề cơ bản, hoặc khá chậm cập nhật, và theo cá nhân mình thì đa phần khá í ẹ sau khi dịch xong. Không phải vì người dịch không có kiến thức, mà vì dịch các tài liệu chuyên ngành rất khó.
– Bạn không thể đọc được các bài hỏi đáp trên google, stackoverflow, trong khi đó lại là một nguồn quan trọng giúp giải quyết nhanh các trục trặc phát sinh. Đôi khi tôi tin là nhờ có stackoverflow mà công việc của tôi có thể tiến triển nhanh gấp đôi.
– Bạn không thể giao tiếp và làm việc trong các công ty nước ngoài, vốn là nơi có mức ưu đãi cao hơn nhiều. Làm bao lâu thì lương bạn tăng gấp đôi? Khá lâu phải không? Vậy nhưng lương lập trình viên trong các công ty có môi trường sử dụng tiếng Anh thường lại cao gấp đôi lương của bạn, tính chất công việc lại giống nhau. Mà quan trọng là khi bạn tăng lương họ cũng được tăng lương nốt, thế mới đau.
– Bạn luôn là người đi sau: Hãy nhớ thị trường lao động giống như một cuộc chạy đua, vấn đề không phải là bạn tốt như thế nào, mà là bạn hơn được ai. Bạn có thể chạy rất nhanh, nhưng vẫn thua anh A, chị B, em C… vậy là đứt. Khi là người dẫn đầu, bạn có rất nhiều lựa chọn, còn là người đi sau, bạn chỉ là người đi phỏng vấn xong về nhà lập đàn cầu khấn cho người ta chọn mình.
– Cơ hội làm việc ở nước ngoài hầu như không có: Bạn có biết hầu như tất cả các nước đều thiếu nhân lực trình độ cao không? Canada, Đức, Úc, Nauy, Thụy Điển… đều có các chương trình dạng skilled worker, một số nước yêu cầu có hợp đồng lao động, một số nước thậm chí không cần có (visa ngắn hạn tìm việc), hoặc dạng chấm điểm kiểu như Úc hay Canada. Và các chương trình này hầu hết đều cấp VISA cho cả gia đình. Nếu không có tiếng Anh, bạn đã tự đóng lại cánh cửa đi ra thế giới rồi.
Vậy nếu bây giờ chưa biết tiếng Anh thì phải làm sao?
Tiếng Anh thực ra không khó, mấy đứa trẻ chưa biết 1+1 là gì còn nói được mà, có nghĩa là so với bộ não con người thì nó chỉ là muỗi. Nếu bạn từng học qua tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nauy… thì bạn sẽ thở phào vì thấy ngữ pháp tiếng Anh khá đơn giản .
Cổ vũ vậy đủ rồi, thật ra tiếng Anh rất khó, vì bộ não của bạn không phải của một đứa trẻ, vì bạn còn phải học và lo lắng nhiều thứ khác, hoặc đơn giản vì bạn không thích học tiếng Anh. Muốn học tốt tiếng Anh, phải có một kế hoạch bài bản, một kỷ luật sắt đá, nhiều người nói rằng bạn phải có đam mê, ấy nhưng khi nói một câu kiểu như “I are an students” còn sai lên sai xuống thì đào đâu ra đam mê? Đó là khi kỷ luật lên tiếng, mỗi ngày đọc 1 tiếng, nghe 30p, viết 30p là cứ vậy mà làm, dù Elly Trần có rủ đi chơi cũng không thèm.
Kinh nghiệm học tiếng Anh thì có lẽ các bạn chuyên Anh Văn sẽ có kinh nghiệm và kiến thức hơn mình nhiều. Người lập trình thì nên học thế nào?Trước tiên hãy cố đọc được các tài liệu tiếng Anh trên mạng, hoặc kiếm một cuốn sách lập trình về chủ đề yêu thích (Android, React Native, C#, J2EE…), một công đôi chuyện vừa học tiếng Anh vừa học lập trình, có như vậy bạn mới không chán.
Sau khi có vốn tiếng Anh đủ để đọc tài liệu rồi, tiếp tục đặt mục tiêu kiếm cái chứng chỉ tiếng Anh, thấp thôi cũng được rồi từ từ tăng dần, ví dụ có thể bắt đầu bằng IELTS band 4. Khi tiếng Anh kha khá rồi thì sẽ tự nhiên thấy thích mà học tiếp. (lúc đó có thể bớt chút thời gian cho Elly Trần được rồi).
Vậy đấy, đáng lẽ chỉ định nói một chút, vì tiếng Anh vốn không phải sở trường của mình, nhưng cuối cùng cũng nói khá dài, hi vọng giúp được cho những ai muốn thành công và tiến xa trong cái nghề lập trình này.