Bạn đã học xong đại học chưa? Rồi ư, giờ là lúc bước ra đường và nhận lấy cái tát đầu tiên từ cuộc đời!
PHẢI CÓ KINH NGHIỆM MỚI KIẾM ĐƯỢC VIỆC
Phải đi làm mới có kinh nghiệm, phải có kinh nghiệm mới tìm được việc làm. Bạn không cô đơn đâu, chỉ cần lướt nhẹ qua các diễn đàn, sẽ thấy ngay có rất nhiều người giống bạn. Vậy phải làm gì?
Trước tiên, ta phải thống nhất 1 với nhau một điều: bạn chỉ là một người mới bước chân vào một trò chơi có hàng triệu người tham gia, bạn đang đứng đâu đó ở cuối dãy, và quan trọng nhất sẽ chẳng có ai lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” đó cả. Đó là quy tắc của cuộc chơi và bạn sẽ phải theo, dù muốn hay không.Nếu với tư cách nhà tuyển dụng, tôi có thể chia sẻ với bạn vài điều:
Trong ngành phần mềm, kinh nghiệm rất quan trọng, vì bạn luôn phải làm việc trên những thứ không hoàn hảo, thậm chí đôi khi không tốt cho lắm: Windows, Linux, Apache, Mysql, PHP, NodeJS, React Native… tất cả đều không hoàn hảo, vậy nên nhận vào một người đã biết bệnh các thứ trên sẽ giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Đối với doanh nghiệp, thời gian và tiền bạc chính là dòng máu nuôi sống nó. Mất đi thời gian và tiền bạc đồng nghĩa với việc yếu đi, thậm chí dẫn đến cái chết. Bởi vậy chúng tôi luôn phải cân nhắc từng đồng. Các bạn có thể thấy chúng tôi kiếm nhiều tiền, nhưng chúng tôi cũng có thể mất đi còn nhiều hơn.
Nếu có 2 lựa chọn, bạn sẽ lựa chọn một đồng nghiệp có thể hỗ trợ công việc cho bạn, hay chọn một người mà bạn có thể lại mất thêm nhân lực để đào tạo, theo dõi và đôi khi hốt đống bug mà bạn tạo ra?Vậy nên, hãy bớt than vãn và tìm ra giải pháp.Tôi đã tham gia phỏng vấn rất nhiều ứng viên cho các vị trí từ Senior trở lên (chắc cũng phải 5-7 trăm người rồi
), và tôi có thể chia sẻ vài điều với hi vọng các bạn có thể mường tượng được điều gì khiến tôi chọn/không chọn một ứng viên:
Chúng tôi đánh giá ứng viên TRƯỚC và NGAY KHI gặp, cách chào, ăn mặc, giờ giấc, phong thái, cách trình bày CV, cách chụp hình trên CV, cách ngồi phỏng vấn, cách viết mail… Có một quy tắc là người ta sẽ đánh giá và có ấn tượng nhiều nhất về bạn chỉ trong vòng 3 giây đầu tiên.
Chúng tôi có một bảng câu hỏi, chia theo từng nhóm kỹ năng. Không phải tất cả các câu hỏi đều được đem ra dùng, vì còn tùy thuộc vào câu trả lời, và tùy vào sở trường của người phỏng vấn. Chúng tôi luôn tránh đưa ra các đánh giá hoặc quyết định ngay lúc phỏng vấn, cũng tránh tranh cãi về kiến thức (dù đôi khi vẫn làm vậy mục đích để tìm hiểu thêm về ứng viên). Các bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu chúng tôi nói gì đó nghe trật lất, vì đây là buổi phỏng vấn chứ không phải buổi truyền đạt kinh nghiệm.
Tuyển dụng, có nghĩa chúng tôi đang thiếu người làm, và cần có thêm một đồng nghiệp đễ hỗ trợ, chứ không phải tuyển vào rồi lại mất thêm người để đào tạo, hay đi sửa lỗi. Vậy nên nếu không phù hợp tiêu chí thì không chọn, vậy thôi, chứ không có trách nhiệm trả lời câu hỏi nếu không đi làm thì sao có kinh nghiệm
.
Khi nói về kinh nghiệm, chúng tôi nói về TẤT CẢ các loại kinh nghiệm, kể cả các bài tập mà bạn làm trong trường, hay các dự án cá nhân, có nghĩa là bạn không nhất thiết phải đi làm ở một công ty nào đó thì mới có. Thật lòng mà nói, có nhiều dự án thực tế mà độ lớn hay độ phức tạp còn thua các bài tập lớn chúng ta làm ở trường. Khi phỏng vấn chúng tôi rất muốn nghe bạn đã từng làm gì, sử dụng công cụ gì, gặp những khó khăn gì, giải quyết ra sao, chúng tôi cũng muốn biết bạn đã làm nó trong bao lâu, và mức độ ứng dụng thực tế như thế nào. Chúng tôi KHÔNG quan tâm bạn làm dự án đó ở công ty nào.Vậy từ góc độ người đi học, bạn sẽ phải làm gì?
Bắt tay vào làm các dự án cá nhân: xây dựng một site bán hàng trực tuyến, một ứng dụng quản lý khách hàng, một ứng dụng hỗ trợ download tương tự IDM, một trình soạn thảo các câu lệnh SQL cho Mysql, một trình nghe nhạc có thể thay đổi được theme… có biết bao nhiêu đề bài như vậy. Bạn hoàn toàn có thể trình bày về các dự án này với nhà tuyển dụng.
Tham khảo các dự án nguồn mở: cách thiết kế CSDL, cách tổ chức dự án, cách người ta quản lý mã nguồn, đọc code những phần mình quan tâm. Ở thời của chúng tôi, Internet và mã nguồn mở là 2 thứ xa xỉ, sách lập trình cũng vậy, thậm chí máy tính cũng là thứ xa xỉ nốt. Phải rất khó khăn mới có thể kết nối đến Internet, vài người dùng chung một đường truyền tốc độ 56Kbs, tiền cước tính theo phút – mỗi phút tương đương với 1 kg gạo ngon. Phải lên kế hoạch cho việc vào net, khi đã kết nối phải tranh thủ tải về thật nhanh, sau đó ngắt kết nối rồi mới bắt đầu đọc, mã nguồn tải về phải in ra và đọc trên giấy, và một chuyện tưởng như đùa là viết code trên giấy là hoàn toàn có thật. Kể ra như vậy để các bạn thấy ở thời bây giờ, việc học và tích lũy kinh nghiệm dễ dàng thế nào.
Theo dõi các blog công nghệ để bắt kịp tình hình, có như vậy bạn mới không bị bỏ lại. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn giỏi một thứ đang thừa thãi trên thị trường nhân lực. Hãy nhớ đây là một cuộc đua, không quan trọng chạy nhanh cỡ nào, bạn phải về đích trước mới thắng.
Xây dựng một thói quen đọc sách. Hiện tại thông tin đã đầy rẫy trên mạng, cần gì bạn chỉ Google là xong, mắc chỗ nào thì tìm trên Stack Overflow. Nhưng chỉ khi đọc sách, bạn mới có thể tiếp cận được một nguồn thông tin bài bản, đầy đủ, xây dựng được một nền tảng kiến thức chặt chẽ. Hãy tập thói quen đọc một cuốn sách lại nhiều lần, vì 99% bạn sẽ không thể nắm hết được nội dung trong 1-2 lần đầu tiên. Cuộc sống cứ trôi mà không thèm quan tâm bạn mới ra trường hay không, nhà tuyển dụng cũng vậy, vì khách hàng cũng đâu có thông cảm khi tôi trình bày lỗi là do nhân viên thiếu kinh nghiệm. Vậy nên giờ là lúc bắt tay vào làm, để khi phỏng vấn bạn có thể tự tin nói với nhà tuyển dụng là: “Em mới ra trường năm nay, nhưng em đã bắt đầu phát triển hệ thống này từ 2 năm trước!”.