Bản thân tôi tuy cũng biết về Flash và các kỹ thuật lập trình của nó, tuy nhiên có lẽ kiến thức đó không đủ sâu để so sánh điểm mạnh và yếu của nó so với Silverlight, do vậy trong bài này, tôi sẽ chỉ nhấn mạnh vào những điểm mạnh của bản thân Silverlight và những yếu tố sẽ hỗ trợ nó trên bước đường trở thành công nghệ RIA phổ biến nhất.
Nếu nói rằng Silverlight sẽ trở thành công nghệ số một vào lúc này là quá sớm. Đối thủ số một của nó – Flash – vẫn đang giữ vị trí thống trị. Vậy liệu cơ sở nào cho phép chúng ta tin vào tương lai của Silverlight?
Kích thước gọn nhẹ và cài đặt dễ dàng
Kích thước cho bản cài đặt Silverlight 1.0 là 1,4MB, cho bản 2.0 là 4,6MB giúp bạn dễ dàng tải về và cài đặt nhanh chóng. Ngoài ra nhờ đã được tích hợp lên website Windows Update nên việc triển khai, cập nhật trong các mạng máy tính sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Các nhà quản trị mạng cũng có thể triển khai đến nhiều máy tính trong mạng bằng dịch vụ WSUS.
Ngôn ngữ và nền tảng mạnh mẽ
Với khả năng lập trình bằng các ngôn ngữ hướng đối tượng như VB và C#, việc viết các ứng dụng Silverlight cũng dễ dàng như viết các ứng dụng Windows đơn thuần. Ngoài ra, bộ API của Silverlight, vốn là tập con của .NET Framework, cung cấp một tập chức năng phong phú, cho phép sử dụng nhiều công nghệ như Socket, LINQ, XAML…
Bộ công cụ hoàn chỉnh
Bạn có thể phát triển các chương trình Silverlight chỉ bằng Notepad, tất nhiên, tuy vậy nếu bạn có trong tay hai công cụ sau sẽ giúp ích rất nhiều:
– Expression Blend: Bộ công cụ dành cho designer, cho phép bạn soạn thảo mã XAML hay chỉnh sửa giao diện các ứng dụng Silverlight bằng cách kéo thả.
– Visual Studio 2008: Không còn nghi ngờ gì nữa, Visual Studio là một tên tuổi lớn trong thế giới các môi trường lập trình. Phiên bản 2008 của VS hỗ trợ đầy đủ cho việc phát triển các ứng dụng WPF, do vậy việc hỗ trợ Silverlight cũng không phải ngoại lệ. Nếu đã từng làm việc với .NET và VS, việc viết các ứng dụng Silverlight sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Hỗ trợ đa nền tảng
Silverlight có thể (hoặc sẽ có thể) chạy trên Windows, Linux, MacOS, hỗ trợ các trình duyệt FireFox, IE, Safari… và vì Silverlight chỉ do một mình Microsoft làm ra nên bạn sẽ không phải lo lắng về tính tương thích, như mỗi khi bạn lập trình JavaScript.
Là sản phẩm của Microsoft
Chỉ riêng thương hiệu Microsoft đã đủ để bạn tin vào sự thành công của Silverlight, dù muốn dù không, bạn cũng phải đồng ý với tôi về điều này. Có thể nó không luôn đúng, nhưng với một tiềm lực tài chính mạnh mẽ, với 95% máy tính cà nhân chạy Windows, với một đội ngũ kỹ thuật hàng đầu, và với sự thành công trong quá khứ của các sản phẩm mà Microsoft đặt cược vào, không có lý do gì để không tin rằng, Silverlight sẽ là vật cản lớn nhất đối với các đối thủ cạnh tranh. Và những động thái của Microsoft, như xây dựng trang web Olimpics 2008 trên Silverlight, hoặc tích hợp Silverlight vào một số dòng điện thoại của Nokia, đủ cho thấy nỗ lực trong việc phát triển công nghệ này.
Còn rất nhiều điều phải làm để đưa Silverlight lên vị trí số một, nhưng với tất cả những lý do như trên, chúng ta có thể tin rằng, trong tương lai, Silverlight sẽ trở thành một trong những công nghệ phổ biến nhất trong thế giới Web.
Thật sự thì em cũng chưa hiểu lắm về chiến lược phát triển công nghệ silverlight và Flash sẽ đem lại những nguồn lợi nào cho Microsoft và Adobe. Ví dụ với Flash thì ngoài bán Macro Flash thì Adobe còn thu thêm các nguồn lợi nào từ Flash. khi chạy trên trình duyệt thì Adobe cho tải Flash player miễn phí. Ngoài danh tiếng ra thì Adobe “ăn” gì từ Flash vậy?
Câu hỏi tương tự cho silverlight của Mcrosoft?
Anh có thể chỉ ra những lợi nhuận nào từ 2 công nghệ này mang lại cho các hãng sở hữu nó không?
thanks.
Chà, một câu hỏi thú vị 🙂
Cá nhân anh nghĩ ngoài việc bán các sản phẩm hỗ trợ thì tạo ra “danh tiếng” đều quan trọng như nhau. Nôm na là Flash càng phổ biến thì càng nhiều nhà phát triển quan tâm, càng nhiều nhà phát triển quan tâm thì lại càng có nhiều ứng dụng Flash, và lại có thêm người dùng… Và với giá ~700usd cho 1 bản Flash Pro thì số tiền thu về chắc chắn chẳng nhỏ tí nào.
Tương tự cho Silverlight.
chà 700$ cho Flash Pro. Giá cao vậy.
Lâu nay thường xài bản lụi nên không quan tâm giá.
cảm ơn anh nhiều lắm.
Aaaaaaaaaaa, bắt quả tang có người xài phần mềm lậu!!!