TÌM VIỆC CŨNG NHƯ ĐI BÁN HÀNG


Thật vậy, khi đi làm ở một công ty nào đó, tức là bạn đang đi bán sức lao động cho họ và để thu lại tiền. Do vậy về nguyên tắc nó cũng tương tự như khi bạn bán bất kỳ sản phẩm nào khác.

Vậy ta cùng xem qua một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình bán hàng của bạn nhé.

Chất lượng sản phẩm:

Nếu bạn là một sản phẩm tồi, nghĩa là chẳng biết làm gì cả, vậy thì bạn không cần đọc tiếp. Vì khách hàng của bạn, họ biết rất rõ họ cần mua gì, và họ cũng rất có kinh nghiệm trong việc mua sắm nên dù gì cũng sẽ chẳng bán được. Trong thị trường lao động, bạn không thể bán hàng xong là khóa máy, đổi địa chỉ và biến mất, nên dù có lừa được họ để được nhận việc thì sau đó bạn cũng sẽ phải ra đi thôi.

Vậy nên, khi còn đi học hãy cố gắng biến mình thành một sản phẩm tốt để có cái mà chào hàng.

Marketing:

Bạn đang học gì vậy? Hãy học những thứ mà thị trường cần, vào thời điểm bạn ra trường. Học thứ bạn thích cũng hay đấy, nhưng chẳng ai trả tiền cho sở thích của bạn cả.

Với kinh nghiệm của tôi, người đã trải qua nhiều “phong trào” khác nhau, tôi có một lời khuyên thế này: Bạn nên chia việc học ra làm 2 phần: “nền tảng” và “công nghệ” (tạm gọi vậy). Trong đó nền tảng là những môn lý thuyết mà bạn sẽ dùng đến trong rất nhiều năm, trừ khi không làm trong ngành IT nữa, không thì bạn vẫn sẽ cần đến nó.

Còn “công nghệ” là những thứ bạn sẽ dùng thực tế: một ngôn ngữ lập trình nào đó như JS, C#… Một nền tảng nào đó như .NET, Java, Azure, AWS… Một framework cho frontend như Vue, React… Những thứ đó bạn sẽ hiểu và bắt tay vào làm việc rất nhanh nếu có một “nền tảng” vững chắc. Còn không sẽ rất vất vả, thậm chí với những công nghệ phức tạp như .NET hay Java, bạn sẽ chẳng thể nào đi sâu được.

Bạn sẽ phải học song song cả hai, chỉ giỏi “nền tảng” hoặc “công nghệ” đều khiến bạn khó kiếm việc làm. Bạn phải hiểu thị trường thì mới cho ra đời những sản phẩm phù hợp thị hiếu và dễ bán được.

Chào hàng:

Nếu bạn nhận được email từ một người bán hàng xa lạ, chỉ với tiêu đề là “CV”, đính kèm trong thư là một file word của một ông nào đó. Bạn có muốn mở ra đọc không? Nếu có thì bạn có cảm thấy thích thú không? Hay lại nghĩ trong đầu: “lại một người chuyên đi rải CV”. Cảm giác giống y như lúc ai đó dúi vào tay bạn một tờ rơi quảng cáo vậy.

Đôi khi tôi nhận được email từ ứng viên, nhưng tên người nhận lại là một công ty khác. Những lúc đó cảm thấy tổn thương hết sức 😃.

Tôi đọc đâu đó thấy có nhiều người xin việc mấy trăm lần nhưng vẫn không được. Tôi tự hỏi họ đã dành bao nhiêu thời gian cho mỗi nhà tuyển dụng – khách hàng của họ. Hay họ coi đó chỉ là một đám đông, ném tờ rơi vào và chờ ai đó chạy lại?

Vậy nên, hãy chuẩn bị một CV thật rõ ràng, chăm chút cẩn thận. Hãy tự hỏi nếu mình là nhà tuyển dụng thì mình quan tâm điều gì. Trước khi gửi CV đến ai đó, hãy tìm hiểu về họ, rồi viết một bức thư mà không ai có thể chối từ (khúc này giống truyện Bố già quá 😃), hãy có đầy đủ thông tin liên lạc, và hãy phản hồi nhanh nhất có thể.

Khi gặp trực tiếp, hãy ăn mặc gọn gàng, nghiêm túc. Bạn không nhất thiết phải mặc sơ mi, hay veston, nhưng đừng mặc cái quần lôi thôi lếch thếch, cái áo hôi hám, đầu bù tóc rối, móng tay đen thui, tóc trên đầu thì bết lại thành từng cục, đã vậy còn đi trễ. Chẳng ai tin mấy người như vậy sẽ làm được việc cả.

Lời khuyên cho buổi phỏng vấn là hãy đúng giờ, nếu bị kẹt xe hay gì đó thì liên lạc với nhà tuyển dụng thông báo tình hình càng sớm càng tốt. Hãy giữ sự thoải mái, nhưng vẫn chỉn chu, lịch sự, và hãy thành thật. Ai cũng muốn làm việc với người thành thật.

Tất cả những thứ trên đều tốn thời gian, nhất là khâu sản phẩm, nên hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ nhé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s